Đang truy cập: 522
Trong ngày: 537
Trong tuần: 537
Lượt truy cập: 5921209

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Tìm kiếm

Một số giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh để mở rộng qui mô đào tạo của Trường Cao Đẳng Bến Tre
Lượt xem: 15822

19-02-2014 15:44

 

 

 

 

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYỂN SINH

ĐỂ MỞ RỘNG QUI MÔ ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

Phòng Đào tạo

Trường Cao đẳng Bến Tre, được thành lập vào năm 2004, trên cơ hợp nhất 3 trường: Cao đẳng Sư phạm, Trung học Kinh tế Kỹ thuật và Trung học Kỹ thuật công nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trường đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo 15 ngành hệ cao đẳng và 12 ngành hệ TCCN, hàng năm trường còn tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề lái xe, đồng thời nhà trường liên kết với các trường đại học trong khu vực để đào tạo hệ vừa làm vừa học, hệ liên thông trình độ đại học. Nhiệm vụ trọng tâm của trường Cao đẳng Bến Tre là đào tạo đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng  đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà; góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Xác định được vai trò và nhiệm vụ, lãnh đạo nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả đào tạo, trong đó có các giải pháp về tuyển sinh, tuy nhiên đối với những thay đổi về giáo dục, đào tạo trong thời gian gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường đang gặp nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới. Việc tìm ra các giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh để mở rộng qui mô đào tạo được đặc biệt chú trọng và xem đây là một yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của trường.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TUYỂN SINH Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

          1.Thuận lợi:

- Công tác tuyển sinh luôn được sự quan tâm của Đảng ủy và Ban giám hiệu, xem công tác tuyển sinh là khâu quan trọng trong hoạt của nhà trường;

          - Trường Cao đẳng Bến Tre có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ và kinh nghiệm cao so với các trường khác trong tỉnh và là trường có quá trình hình thành và phát triển dài nhất trong tỉnh với 37 năm tiếp nối truyền thống đào tạo và 10 năm thành lập trường vì thế thương hiệu của trường được nhiều người biết đến;

         - Nhà trường đào tạo nhiều ngành nghề, có những ngành không cần quảng bá, tư vấn nhiều nhưng số lượng sinh viên tuyển được luôn đạt chỉ tiêu như các ngành thuộc khối sư phạm (nhưng đây cũng là một khó khăn khi các ngành này không được cho phép tuyển sinh);

         - Hình ảnh nhà trường được thường xuyên quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài qua việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển trường Cao đẳng Bến Tre, từ đó giúp nhân dân nắm bắt được tình hình đào tạo của nhà trường để có lựa chọn đăng ký thi vào trường;

       - Hàng năm nhà trường đều có kế hoạch tuyển sinh, trong đó chú ý đến việc quảng bá đến các trường phổ thông trung học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các hiệu trưởng của một số trường PTCS trong tỉnh.

        2.Khó khăn:

        - Hiện tại phần lớn cán bộ, viên chức nhà trường chưa quan tâm hỗ trợ công tác tuyển sinh,  xem công tác tuyển sinh là nhiệm vụ của phòng Đào tạo.

        - Đội ngũ làm công tác tuyển sinh vừa ít vừa không có nghiệp vụ: đội ngũ đi tư vấn tuyển sinh thường là lãnh đạo và chuyên viên của một số phòng, khoa, đội ngũ này lại thay đổi hàng năm nên không chuyên nghiệp và chất lượng tư vấn tuyển sinh không cao. 

        - Hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh được thực hiện theo mùa vụ, thiếu tính thường xuyên, mỗi năm đến mùa tuyển sinh mới lập các nhóm tuyển sinh đi về các địa phương để quảng bá các ngành nghề đào tạo của nhà trường, các khoảng thời gian khác chỉ có một cán bộ phụ trách nhận hồ sơ dạy lái xe; 

        - Công tác tuyển sinh của chúng ta từ trước đến nay chủ yếu là quảng bá về các ngành nghề sẽ tuyển để đào tạo, công tác tư vấn chưa được chú ý nhiều, hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh còn đơn điệu, chưa thu hút sự chú ý của học sinh;

        - Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường chậm được trang bị mới nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo từ đó ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh;

         - Do sự thay đổi về cơ chế chính sách, các trường đại học được thành  lập nhiều, điểm chuẩn đầu vào đại học thấp vì vậy số lượng các thí sinh có nguyện vọng dự thi vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp giảm theo từng năm;

         - Do sự cạnh tranh của các đơn vị đào tạo cùng địa bàn gây nên sự khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhà trường so với những năm trước;

         - Do có qui định mới về việc đào tạo liên thông nên ảnh hưởng đế việc tuyển sinh vào hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp;

        - Nhu cầu học tập của một số ngành của trường đào tạo giảm vì ra trường khó tìm việc làm nhất là các ngành thuộc khối Kinh tế - Tài chính, các ngành đào tạo khối sư phạm không được phép tuyển sinh từ đó ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh;

Công tác tuyển sinh của chúng ta trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, một số ngành đào tạo không tuyển được sinh viên, tỉ lệ tuyển sinh không cao, trong năm 2013 hệ cao đẳng chỉ tuyển được 301/835 đạt 36% chỉ tiêu, hệ trung cấp chuyên nghiệp chỉ tuyển được 188/700 đạt 26,9%, đào tạo lái xe giảm so với các năm trước vì thế việc đổi mới công tác tuyển sinh là hết sức cần thiết và phải có những giải pháp thích hợp.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYỂN SINH

          1. Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh:

         Đội ngũ tuyển sinh đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng  công tác tuyển sinh, vì thế cần xây dựng đội ngũ này hết sức đa dạng gồm những đối tượng sau:

          - Bộ phận chuyên trách làm công tác tuyển sinh:  Bộ phận chuyên trách tuyển sinh đóng vai trò hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng về công tác tuyển sinh của nhà trường. Bộ phận này sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, tư vấn và tuyển sinh tất cả các hệ đào tạo trong nhà trường  kể cả chính qui, vừa học vừa làm, liên thông, liên kết, dạy nghề và hoạt động suốt năm học;

          - Bộ phận cán bộ, viên chức: Công tác tuyển sinh là hoạt động của toàn trường, mọi thành viên trong trường phải có trách nhiệm tham gia, để thực hiện được điều này mỗi cán bộ, viên chức trước hết cần phải nhận thức rằng công việc tham gia tuyển sinh của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường vì không có học sinh, sinh viên đồng nghĩa với việc trường sẽ không hoạt động được và hệ quả là cán bộ, giảng viên sẽ phải giãm. Để thực hiện được điều này nhà trường phải có những biện pháp động viên khích lệ, chẳng hạn như giao khoán mức thưởng trên mỗi hồ sơ khi học sinh, sinh viên do cán bộ, giảng viên vận động đã thực tế vào học hoặc khen thưởng kịp thời trong các ngày lễ, các dịp tổng kết... nhằm tạo lên một không khí thi đua, phấn đấu trong mỗi cán bộ, viên chức trong hoạt động tuyển sinh.

          - Bộ phận học sinh, sinh viên: Huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia công tác tuyển sinh qua việc động viên các em quảng bá các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo của nhà trường đến người thân, bạn bè đồng thời có chế độ khen thưởng cho học sinh, sinh viên vận động được nhiều người vào học ở trường.

          - Bộ phận các trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề: Công tác tuyển sinh, tuy là nhiệm vụ cua nhà trường, song nếu cứ dựa vào nguồn nhân lực của nhà trường thì chưa đủ mà chúng ta phải biết tranh thủ các lực lượng bên ngoài. Một mặt họ vừa là những người hàng ngày trực tiếp với các đối tượng học sinh và các bậc phụ huynh; mặt khác tiếng nói của họ sẽ có tác động khá mạnh mẽ đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các học sinh hay các bậc phụ huynh sau khi con em họ tốt nghiệp THCS hay là PTTH. Vì vậy nhà trường cần phối hợp với các trung tâm trong việc thông báo tuyển sinh, thu nhận hồ sơ cho nhà trường.

           2. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh:

Quảng bá, tư vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tuợng học sinh và những người có liên quan. Muốn vậy, việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên, qua việc tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình; bằng các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email. Bởi vì qua các phương tiện thông tin có lúc chưa truyền tải hết tất cả những thông tin chi tiết đối với công tác đào tạo và các thông tin liên quan. Hơn nữa, đối tượng học sinh và những người liên quan khác, đôi lúc muốn hiểu thêm các vấn đề về đào tạo thì phải có cán bộ tuyển sinh giải thích trực tiếp mới phát huy hiệu quả.

3. Tăng cường công tác quản lý việc dạy và học:

Dạy và học là hai hoạt động mà thoạt đầu chúng ta nghĩ là không có liên quan gì đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Bởi vì công tác dạy và học nó diễn ra khi mà công tác tuyển sinh đã kết thúc. Tuy nhiên nếu suy nghĩ như vậy thì thật là sai lầm, phải nói là công tác quản lý dạy và học để nâng cao chất lượng đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển sinh của nhà truờng. Bởi lẽ chúng ta biết rằng những học sinh, sinh viên đang theo học tại trường của chúng ta là những "cán bộ tuyên truyền viên" hết sức quan trọng. Những gì đang diễn ra ở trường về chất lượng đào tạo được họ phản ánh lại với gia đình, bạn bè, người thân... từ đó tạo động lực cho học sinh đăng ký dự thi vào trường chúng ta.

Vì vậy cần phải quản lý công tác dạy và học ở nhà trường thật tốt, tạo ra nhiều ấn tượng đẹp chừng nào đối với học sinh, sinh viên thì những ấn tượng đó sẽ được truyền phát ra xã hội càng nhiều chừng đó.

Muốn thực hiện được điều này, nhà trường cần phải làm tốt những nhiệm vụ sau:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ giảng viên, kể cả giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.

- Đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

- Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động khi sinh viên tốt nghiệp.

- Tăng cuờng công tác quản lý học sinh - sinh viên; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để nâng cao chất lượng đào tạo.

         4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ dạy học:

            Cơ sở vật chất mà đặc biệt là máy móc, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Bởi vậy cần phải đầu tư những máy móc thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với máy móc thiết bị của các doanh nghiệp đang hoạt động. Có như vậy sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường họ mới nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp cho mình trong thị trường lao động và điều này sẽ làm cho thương hiệu của trường ngày một củng cố; tạo uy tín trong xã hội và sẽ có tác động mạnh mẽ đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

5. Tăng cường quan hệ với các doanh nghiệp:

Một thành phần rất quan trọng có ảnh hưởng đến công tác tư vấn tuyển sinh đó là các doanh nghiệp, những đơn vị đang hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan đến các ngành nghề đào tạo của trường. Vì vậy nhà trường cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để họ cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; tham gia đánh giá kết quả học tập của học sinh khi tốt nghiệp và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Làm được điều này thì uy tín và thương  hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới.

6. Mở thêm ngành đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo:

Mở thêm một số ngành đào tạo mới để thay thế những ngành đào tạo của nhà trường mà nhu cầu việc làm đã bão hòa; tăng cường phối hợp với các địa phương để đào tạo các lớp ngắn hạn; liên thông, liên kết với các trường đại học trong khu vực để đào tạo hệ đại học để mở rộng quy mô đào tạo.  

          Tóm lại, công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Những nội dung trên chỉ mới là một trong những giải pháp cơ bản. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng, nhà trường cần phải kết hợp và sử dụng bằng rất nhiều biện pháp khi đó hiệu quả của công tác tuyển sinh ngày càng tốt hơn.
 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT

Địa chỉ:

  • CS1: 400/1, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
  • CS2: 78 Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre

Điện thoại: 0275 3 822 294

Copyright © by Trường Cao đẳng Bến Tre