Đang truy cập: 13
Trong ngày: 58
Trong tuần: 1084
Lượt truy cập: 3495307

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Tìm kiếm

Chia sẻ - Cách thức đạt kết quả tốt nghiệp cao cho Sinh viên ngành VNH
Lượt xem: 730

07-05-2015 07:10

 

 

 

 

 

CHIA SẺ CÁCH THỨC TỐT NGHIỆP ĐẠT KẾT QUẢ CAO CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC

 Ths. Huỳnh Thị Kim Tuyến

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Bắt đầu từ năm học 2012-2013, trường Cao đẳng Bến Tre đã chuyển sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo phương thức đào tạo mới này, sinh viên chỉ cần tích lũy đủ số tín chỉ theo qui định, được xem đã hoàn thành chương trình đào tạo, không phải thi tốt nghiệp như phương thức đào tạo theo niên chế. Tuy nhiên, để vượt qua tất cả các học phần không phải chuyện dễ đối với sinh viên.  Cách thức học tập như thế nào, ôn luyện ra sao, làm thế nào để thực tập tốt nghiệp được đánh giá cao...Đó là những băn khoăn để tìm giải đáp của tất cả sinh viên. Cách thức tốt nghiệp đạt kết quả cao cho sinh viên, đặc biệt thuộc chuyên ngành Việt Nam họclàvấn đề được giảng viên khoa KHXH-NV rất muốn chia sẻ trên diễn đàn hôm nay.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

    2.1. Thực trạng đào tạo của khoa KHXH-NV

          Với vị thế và vai trò của mình trong nhà trường, khoa KHXH-NV đảm nhận nhiệm vụ quản lý 2 ngành học chính là Tiếng Anh và Việt Nam học. Lãnh đạo khoa và tổ chuyên môn luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, ngoài việc trang bị các kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ,  khoa còn đặc biệt chú trọng đến đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm, góp phần giúp sinh viên khi ra trường sớm khẳng định và phát huy được năng lực bản thân, gặt hái được thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống. Xác định cụ thể trong Chuẩn đầu ra, đã cho thấy nội dung đào tạo theo hướng mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên trong việc tiếp cận các kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng giao tiếp, thuyết minh, phỏng vấn, xử lý tình huống… dành cho sinh viên các khóa và sinh viên năm cuối nói riêng. Từ đó, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều khả năng tiếp cận tốt với doanh nghiệp, với đa dạng việc làm sau khi ra trường.

    2.2. Chia sẻ cách thức tốt nghiệp đạt kết quả cao cho sinh viên, đặc biệt thuộc chuyên ngành Việt Nam học

          Quá trình học và ôn tập

          Cần ghi nhớ trọng tâm bài học được giảng viên truyền đạt trên lớp, bằng cách ghi chép vào vở hay đánh dấu trong tài liệu học tập.

Sinh viên cần phải hoàn thành tất cả những nội dung được giảng viên giao việc ở nhà.

          Thông thường, thời gian ôn tập tổ chức trước kỳ thi rất ngắn. Cho nên, dù thời gian thi đã cận kề, nhưng không nên quá vội vàng, lo lắng mà dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”. Trong quá trình ôn tập, sinh viên cần chú ý hệ thống lại phần kiến thức đã học, đảm bảo “học ôn đến đâu, kiến thức chắc đến đó”.

          Sinh viên cần thiết lập cho mình thời gian biểu hợp lý cho việc ôn tập các môn. Nên phân chia khối lượng kiến thức cần học theo từng chủ đề, luyện kỹ năng hoàn thành nhanh các bài tập thực hành, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Tự tin, bình tĩnh sẽ chiến thắng.

          Đồng thời, đây cũng là thời gian tốt nhất để sinh viên có cơ hội đặt những câu hỏi liên quan đến nội dung thi, cách thức làm bài, quan điểm chấm của giáo viên và hội đồng... Có rất nhiều trường hợp, sinh viên cho rằng mình đã “trúng tủ” trong kỳ thi nhờ vào những câu hỏi đã được giải đáp trong thời gian ôn tập. Vì vậy, bạn đừng bao giờ “vắng mặt” trong các buổi ôn tập, trừ trường hợp “bất khả kháng”.

          Cách thức làm bài thi

          + Bước 1: Cần đọc lướt toàn bộ nội dung đề thi

          Khi nhận được đề thi, sinh viên cần đọc lướt qua một lượt đề thi và xác định nội dung nào cần làm trước, nội dung nào làm sau. Thông thường, nên chọn những câu bản thân có chuẩn bị kỹ để ưu tiên làm trước. Những câu không biết hay biết không sâu, nên để lại làm sau.

          + Bước 2: Cần đọc kỹ nội dung mà đề yêu cầu

          Sau khi xác định những nội dung được đề cập trong đề, sinh viên cần đọc kỹ những nội dung được yêu cầu hoàn thành trong câu. Lưu ý trọng tâm bằng cách nhận diện các “từ khóa” trong đề.

          Ví dụ câu hỏi: Phân tích chiến lược “5M” trong quảng cáo du lịch. Như vậy, từ khóa chính cần giải mã ở đây là “5M”, tiếp theo nhận diện yêu cầu là “phân tích”...

          + Bước 3 : Thiết lập đề cương cho từng câu hỏi

          Phác thảo nhanh cấu trúc các đề mục cần trình bày cho từng câu hỏi trong đề thi. Việc làm này sẽ giúp sinh viên phân bố thời gian cho từng câu hỏi một cách hợp lý, chính xác, tránh tình trạng thiếu sót nội dung các ý chính của câu hỏi trong quá trình làm bài.

          Lưu ý, chỉ nên tập trung vạch ra các ý tương đối chi tiết dạng tiêu đề, trọng tâm chứ không nên viết thành bài hoàn chỉnh trong giấy nháp, do khống chế thời gian. 

          Thao tác này giúp sinh viên trình bày ý tưởng một cách khoa học, tránh tình trạng viết lặp đi lặp lại một ý hoặc viết lan man, lạc đề, không đi vào trọng tâm vấn đề.

          + Bước 4 : Vận dụng, liên hệ thực tế

          Đối với sinh viên trình độ cao đẳng, các câu hỏi trong đề thường có các ý vận dụng, liên hệ thực tế nhằm giúp phân loại, đánh giá người học. Vì vậy, sinh viên cần có kiến thức thực tế phong phú, liên hệ đúng yêu cầu, tránh lan man, dàn trải, mông lung. Đôi khi, cần thể hiện rõ quan điểm cá nhân đúng yêu cầu câu hỏi sẽ đạt điểm cao.

          Ví dụ câu hỏi: Phân tích các tác động tích cực của du lịch đến môi trường tự nhiên. Cho ví dụ minh họa tác động này tại địa phương.

          Cách thức trình bày

          Đây cũng là yếu tố không thể xem thường, đôi khi ảnh hưởng lớn đến kết quả thi. Qua kinh nghiệm nhiều năm chấm thi, sinh viên thường hay trình bày bài làm liên mạch, khó phân biệt giữa câu này với câu kia.

          Bài thi sáng sủa, ý tưởng rõ ràng, được trình bày một cách logic sẽ dễ tạo tâm thế phấn khởi nơi người chấm, đặc biệt khó sót ý trong khi chấm, điểm số sẽ cao hơn. Đôi khi trong bài làm của mình, sinh viên thể hiện cùng trong một dòng nhiều ý cùng lúc, khiến cho người chấm khó tách ý, vì vậy điểm cũng khó đạt tối đa. Cần nên xuống dòng và có dấu phân biệt giữa câu trước và câu sau, tất nhiên không phải là đánh dấu hiệu đặc biệt để bị rơi vào trường hợp phạm quy. Nên đọc lại bài làm cẩn thận để kiểm tra các lỗi, có thể do viết từ thiếu sẽ dẫn đến sai lệch nghĩa, ảnh hưởng kết quả bài thi.

3. KẾT LUẬN

    Mục tiêu học tập của sinh viên là luôn hướng đến một kết quả tốt nghiệp mỹ mãn, tìm được công việc ổn định, phù hợp trong tương lai. Điều này luôn là mơ ước vươn tới của tất cả sinh viên. Tuy nhiên, muốn đạt đến vinh quang đó, cần phải có quyết tâm, nỗ lực trong học tập, đặc biệt là có phương cách học đúng. Cách thức học, làm bài thi kết thúc học phần và thực tập tốt nghiệp đạt kết quả cao, luôn đòi hỏi người học phải tự rèn luyện bản thân, phấn đấu vượt qua trở ngại, đi đến thành công. Đặc biệt phải biết nắm vững các bí quyết học và hành hiệu quả. Mọi nỗ lực sẽ được bù đắp xứng đáng.

    Chúc các bạn luôn tự tin vào bản thân và đạt kết quả tốt trong học tập cũng như trong công việc tương lai.

 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG BẾN TRE

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT

Địa chỉ:

  • CS1: 400/1, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre
  • CS2: 78 Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre

Điện thoại: 0275 3 822 294

Copyright © by Trường Cao đẳng Bến Tre